Năm 2016, Nam Long tiếp tục thắng lớn với các sản phẩm chung cư khi bán được 2.065 căn, thu về gần 2.000 tỷ đồng. Biên lợi nhuận của Nam Long khoảng 33%, cao hơn nhiều doanh nghiệp bất động sản khác trong ngành như Novaland, Hoàng Quân, FLC..
Xem thông tin dự án Nam Long:
Năm 2016 là năm thành công rực rỡ của Tập đoàn Nam Long, một doanh nghiệp chuyên xây nhà với giá vừa túi tiền.
Báo cáo mới được công bố của Nam Long cho thấy, doanh thu năm 2016 của công ty tăng vọt lên trên 2.500 tỷ đồng, gấp 2 lần năm trước. Lợi nhuận theo đó cũng cao nhất từ trước đến nay, đạt 484 tỷ đồng.
Theo nhận định của một công ty chứng khoán, Nam Long thành công trong năm 2016 nhờ các sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thấp tầng. Cả doanh số bán hàng và giá trị hợp đồng đã ký ở phân khúc này đều tăng trưởng mạnh trong khi Nam Long vẫn giữ thế mạnh trong phân khúc nhà ở bình dân.
Công ty đã bán được 2.528 căn hộ trong năm ngoái, bao gồm 2.065 căn chung cư, 170 nhà liền kề/biệt thự và 293 lô đất nền. Nam Long hiện chiếm 13,7% thị phần phân khúc nhà ở bình dân.
Doanh thu của Nam Long năm 2016 chủ yếu đến từ 4 dự án chung cư, gồm: Ehome 3 (811 tỷ đồng), Ehome 4 (431 tỷ đồng), Ehome 5 (355 tỷ đồng) và Flora Anh Đào (532 tỷ đồng). Công ty đã bán toàn bộ số căn hộ trong các dự án này, đồng thời đã hoàn thiện và bàn giao cho người mua.
Trong cơ cấu doanh thu của Nam Long, tổng doanh thu từ chung cư chiếm tỷ trọng 77%. Các mảng kinh doanh khác như nhà liền kề và biệt thự chiếm 7%, doanh thu bán đất nền chiếm 8%, còn lại là doanh thu từ các hoạt động và dịch vụ khác.
Kết quả kinh doanh của Nam Long cho thấy, không phải làm nhà giá rẻ thì lợi nhuận sẽ thấp. Thông thường, một dự án Ehome của Nam Long có tỷ suất lãi gộp 25-30%. Ngoài ra, dự án biệt thự và nhà liền kề tỷ suất 30-35%, các sản phẩm đất nền khoảng 40-45%.
Tính trung bình, tỷ suất lợi nhuận gộp của Nam Long khoảng 33%, cao hơn hẳn một số doanh nghiệp bất động sản khác như Novaland 20-22%, HQC 22-27%, FLC 12%…
Những năm gần đây, nhu cầu sở hữu một căn hộ để ở đang ngày càng gia tăng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, nhu cầu đang vượt quá xa so với năng lực cung ứng của thị trường. Theo ông Châu, xây nhà với giá vừa túi tiền là hướng đi đúng đắn, bởi kể cả trong các cuộc khủng hoảng bất động sản, phân khúc nhà vừa túi tiền vẫn không bị đóng băng.
Hồi cuối năm 2016 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã tuyên bố sẽ cho ra mắt thương hiệu bất động sản Vincity với giá bình quân từ 700 triệu đồng/năm trong vòng 5 năm tới. Số lượng căn hộ lên tới 200.000-300.000 căn tại 7 tỉnh thành trên cả nước.
Đứng trước nguy cơ cạnh tranh từ Vincity, Tổng giám đốc của Nam Long từng cho rằng, đây là điều tích cực cho thị trường và không tác động mấy tới Nam Long, bởi miếng bánh thị trường hiện nay còn quá lớn và mỗi bên sẽ chỉ “ăn” được một góc trên miếng bánh chứ chưa động chạm gì đến nhau.
Rủi ro của Nam Long hiện nay không nằm ở sự cạnh tranh mà là việc chậm triển khai một dự án ở Long An. Công ty vẫn đang tìm kiếm đối tác chiến lược để hợp tác phát triển Waterpoint, một dự án nằm khá xa trung tâm TPHCM. Dự án này có giá trị đầu tư 1.410 tỷ đồng, tương đương 23% tổng tài sản công ty. Vì vậy, việc để một lượng lớn tiền mặt tồn đọng trong một dự án không sinh lời là trở ngại với doanh nghiệp.
Theo Cafe F